Sitemap

Những điều bậc phụ huynh nên biết về Yu-Gi-Oh!

Trên các diễn dàn báo mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh đã và đang băn khoăn về việc hiện nay con mình đang chơi một loại thẻ bài có tên gọi là "Yu-Gi-Oh!". Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn hoài nghi về việc liệu đây có phải là trò chơi lành mạnh không, liệu cho con chơi có ảnh hưởng tới việc học tập trên lớp không?... 

Chính vì lý do này, ngày hôm nay Mahadoyugi sẽ tổng hợp các thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ về Yu-Gi-Oh!, trò chơi thẻ bài đang ngày một thịnh hành tại Việt Nam, để các bậc phụ huynh có thể tham khảo và có thêm kiếm thức về thể loại game mà con mình đang chơi. Cuối bài viết, Mahadoyugi mạnh dạn đưa ra một vài giải pháp giúp cho các bậc phụ huynh và con trẻ có thể tiếp cận với Yu-Gi-Oh! một cách lành mạnh nhất. 

Hy vọng đây sẽ là một trang sách trong "cẩm nang mini" giúp ích cho các bậc cha mẹ trong việc định hướng trò chơi cho con của mình.



1. Yu-Gi-Oh! là gì?


Yu-Gi-Oh! (YGO) là một trò chơi đối kháng thuộc thể loại “Cờ Bàn” (Board Game) lấy cảm hứng từ bộ truyện cùng tên của Nhật Bản. Bộ truyện tranh được sáng tác bởi Kazuki Takahashi. Bộ truyện ban đầu chỉ có 20 tập kể về cuộc du hành của nhân vật chính Yugi cùng bạn bè. Cậu bé Yugi trong một lần vô tình lắp được một trò chơi mà ông nội mang về từ Ai Cập cổ đại, đã làm xuất hiện “linh hồn thứ hai” có tên là Yami Yugi - và từ đó, cuộc phiêu lưu của hai cậu bé Yugi và nhóm bạn bắt đầu…

Đến nay Yu-Gi-Oh! đã ra đời nhiều phần tiếp sau đó, bao gồm cả truyện, phim và game. Trò chơi thẻ bài Yu-Gi-Oh! cũng phát triển rộng rãi và năm 2011, Yu-Gi-Oh! đã được sách kỉ lục Guinness ghi nhận là trò chơi thẻ bài được bán nhiều nhất với hơn 20 tỷ quân bài bán ra tính tới thời điểm đó. (nguồn: theo undergrounduelist.wordpress.com)



2. Thẻ bài Yu-Gi-Oh! ra đời thế nào?



Trong vài tập cuối, Kazuki Takahashi đã tập trung viết về một loại trò chơi thẻ bài. Điều bất ngờ là độc giả cảm thấy vô cùng thích thú với trò chơi này và yêu cầu tác giả viết thêm về nó cho dù Takahashi định dừng bộ truyện. Cuối cùng, ông đã phải viết thêm các phần tiếp theo và kể từ đó, trò chơi thẻ bài gắn liền với cái tên Yu-Gi-Oh! ra đời.

Sau một thời gian, do cảm thấy tiềm năng phát triển của trò chơi rất lớn nên Konami (Công ty Game nổi tiếng thế giới) đã đầu tư và phát triển lên với cái tên đầy đủ Yu-Gi-Oh! Trading Card Game. Từ đó tới nay họ không ngừng phát triển và thành công từ trò chơi thẻ bài này là vô cùng to lớn.

Trang chủ Konami: https://www.konami.com/
Trang Yu-Gi-Oh! chính thức: http://www.yugioh-card.com/




3. Yu-Gi-Oh! du nhập vào Việt Nam thế nào?



Yu-Gi-Oh! được biết đến ở Việt Nam từ rất sớm, vào những năm 2002, 2003 khi NXB Kim Đồng lần đầu tiên xuất bản bộ truyện tranh Yu-Gi-Oh! với tên gọi “Vua Trò Chơi”. Mặc dù chỉ xuất bản vỏn vẹn 21 tập, bộ truyện đã được các độc giả nhí vô cùng yêu thích, và trò chơi “thẻ bài Magic” cũng bắt đầu từ đó. Những đứa trẻ bắt đầu mua những hộp bài ngoài được bày bán ngoài cổng trường (tất cả, thật không may mắn, là hàng lậu từ Trung Quốc sang). Những CLB, những nhóm chơi Yu-Gi-Oh! dần được thành lập.


Cho tới nay, cộng đồng Yu-Gi-Oh! ngày một lớn mạnh. Những người chơi cũng được hướng dẫn để có thể phân biệt được bài giả từ Trung Quốc so với bài chính hãng từ Konami. Các Shop bài Yu-Gi-Oh! dần xuất hiện để đáp ứng nhu cầu sử dụng bài chính hãng ngày càng cao.



4. Ưu & Nhược điểm của việc chơi Yu-Gi-Oh!


Bất kỳ trò chơi nào cũng có cái lợi và cái hại của nó, kể cả những Board Game nổi tiếng thế giới như Cờ Vua. Nếu các bạn chơi quá nhiều cờ vua và bỏ bê việc học hành trên lớp, trong khi bố mẹ lại muốn hướng con cái theo nghề nghiệp khác thì quả là không hay chút nào. Yu-Gi-Oh! cũng gặp phải vấn đề tương tự: Chơi có chừng mực thì rất tốt cho sự phát triển trí tuệ và con người, nhưng chơi quá nhiều lại gây phản tác dụng.

4.1. Yu-Gi-Oh!, trò chơi phát triển trí tuệ và tâm hồn

Lợi ích đầu tiên mà Yu-Gi-Oh! mang lại là tính kiên nhẫn, tâm huyết, đam mê với công việc mà mình thích. Điều này rất quan trọng trong cuộc sống và sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách của một con người. Để có thể xây dựng được một bộ bài, người chơi cần phải dành thời gian để tìm hiểu xem bộ bài đó cần những lá bài gì, cách vận hành ra sao, cách kết hợp những lá bài đó như thế nào… Sau  khi lập xong một bộ bài, người chơi cần phải sử dụng bộ bài đó đi “thực chiến” với các bạn để biết được điểm mạnh-yếu và sửa chữa cho bộ bài hoàn thiện hơn. Đây cũng là một đặc tính chung của hầu hết những trò chơi “cờ bàn” (Game Board) như cờ vua, cờ tướng…

Cái lợi thứ hai là khả năng phân tích tình huống chơi và khẳng định trí tuệ tuyệt vời của con người. Như đã đề cập trong bài viết “Yu-Gi-Oh! có phải là trò chơi trẻ con?” thì trí tuệ trong trò chơi này hoàn toàn có thể sánh ngang với “1 bàn gỗ gồm 64 ô và 32 quân cờ”. Mọi tình huống chơi mà người chơi chưa nghĩ tới sẽ được đón nhận một cách trực tiếp và thông qua đó sẽ hình thành nên tư duy đánh giá tình huống để xử lí sao cho hiệu quả - điều mà các nhà khoa học đang nghiên cứu ở một số trường đại học!

Để chơi được Yu-Gi-Oh!, ngoài các cái lợi trên thì còn cần một chút tiếng Anh nữa. Vừa chơi các lá bài, các bạn vừa có thể nhớ thêm được một số từ tiếng Anh đơn giản nhưng khá là thực tiễn đấy! Thêm vào đó, các cấu trúc tiếng Anh trong Yu-Gi-Oh! được lặp lại thường xuyên và điều này sẽ giúp con trẻ nhớ lâu hơn và áp dụng được khi đã tiếp xúc với nó nhiều lần.

Chưa dừng lại ở trí tuệ, YGO đôi khi còn giúp con trẻ của các vị phụ huynh hiểu thêm về thế giới như các chòm sao trên bầu trời, các vị thần trong truyền thuyết của Hy Lạp, Ai Cập, và cả Nhật Bản nữa,v…v… Đã có rất nhiều lá bài được xây dựng dựa theo các truyền thuyết, sự kiện, nhân vật lịch sử như tướng Ben Kei của Nhật Bản, truyền thuyết các vị thần linh Bắc Âu, ....


Hình ảnh giải đấu Yu-Gi-Oh! quốc tế YCS


+ Tìm hiểu thêm về điều này tại: Các Tộc Bài Yugioh


4.2. Yu-Gi-Oh! có điểm gì chưa thật sự gây hài lòng?

Bên cạnh những điểm tốt, Yu-Gi-Oh! cũng có một vài bất cập.  Có thế thấy, yêu tố khó khăn nhất khi chơi YGO chính là kiên trì. Đã không ít những bạn trẻ không thể bình tĩnh ngồi để tìm hiểu và xem xét trò chơi một cách tỉ mỉ nên đã bỏ cuộc giữa chừng và quan niệm rằng “tại YGO khó quá”. Không những thế, luật YGO còn yêu cầu phải kinh nghiệm nữa, chính vì thế mà muốn chơi được bạn cần có sự kiên trì ngay từ những bước học đầu tiên. Nhưng chính vì rào cản này mà vô tình sẽ tạo ra những con người có khả năng kiên nhẫn, tỉ mỉ, tâm huyết với việc mình làm…

Rào cản thứ hai mà hầu như các bố mẹ nghĩ tới chính là hình ảnh của một số lá bài không thật sự thiện cảm với những đứa trẻ của mình. Nhưng nếu nghĩ theo cách  khác thì hẳn các vị phụ huynh sẽ thấy thú vị. Theo Konami thì trẻ con bắt đầu từ 6 tuổi mới có thể chơi được Yu-Gi-Oh!, ở tầm tuổi đó thì đã có khả năng phân biệt và ghi nhớ được những hình ảnh. Chưa hết, mặc dù tồn tại một số quân bài chưa được thiện cảm lắm nhưng Yu-Gi-Oh! lại hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới chính trị, tôn giáo hay tín ngưỡng của bất kỳ quốc gia nào. Hơn nữa theo chiều tăng dần của thời gian thì Konami luôn “hiện thực hóa” trò chơi này, tức là đưa những sự thật vào lá bài để tạo cho chúng có những ý nghĩa riêng biệt. Qua cách làm này thì sẽ làm cho hình ảnh gần gũi hơn với những người chơi, ngay cả những cô cậu bé chỉ vừa bước vào lớp một.



Vấn đề cuối cùng có thể cản trở trò chơi chính là kinh tế. Để chơi được bài thì tất nhiên bạn phải có bài. Nhưng không phải lần nào mua bài cũng được quân tốt. Và nếu không mua thì tất nhiên sẽ “thua bạn thua bè”. Đó là tâm lí chung của con trẻ VN và tất nhiên phụ huynh sẽ phải để mắt tới rất nhiều, ngay cả khi chúng đòi mua một bộ bài rẻ tiền ở cổng trường.



5. Làm sao để phụ huynh tận dụng tối đa lợi ích mà Yu-Gi-Oh! mang lại cho con trẻ?


Lợi ích mà Yu-Gi-Oh! mang lại không phải là nhỏ bé nhưng tận dụng nó làm sao cho chuẩn mực thì có lẽ vẫn còn đau đầu! Đầu tiên có lẽ là các vị phụ huynh nên thử Yu-tiếp xúc và trò chuyện với các con về nội dung trò chơi này. Đôi khi chỉ một vài câu nói về Yu-Gi-Oh! trong bữa ăn sáng của con cũng tuyệt vời hơn rất nhiều so với lúc con mình đang học! Một số cách làm khả thi cho phu huynh như: mua bài về và cùng con tìm hiểu cách chơi, dịch bài, tính toán điểm hơn kém,… Chính từ những hành động đơn giản như thế thì sẽ tạo ra trong con trẻ suy nghĩ về mình không hề cô đơn khi chơi mà có những người thân chơi cùng. Để duy trì cho con mình thói quen và cảm giác thích thú khi chơi thì tốt nhất là mỗi ngày chơi một ít, cái gì nhiều quá cũng không tốt và đối với Yu-Gi-Oh! thì sẽ dẫn tới cảm giác nhàm chán!

Ngoài ra, theo ý kiến chủ quan của người viết, việc cấm đoán sở thích chơi của con (tất nhiên là không chỉ với riêng Yu-Gi-Oh!) là thật sự không nên và đôi khi gây ra tác hại xấu. Thay vào đó là khuyên bảo chơi có mức độ nhất định hoặc áp dụng như nó như là phần thưởng vậy. Tức là các bậc cha mẹ có thể treo giải một bộ bài cho con nếu đạt điểm số cao cuối kỳ, hoặc là khi con trẻ có những hành động giúp đỡ người khác có ích vậy. Bên cạnh đó, trong xã hội mà Internet xuất hiện nhiều như này thì cũng có thể con trẻ sẽ học chơi qua mạng. Vì thế mà phụ huynh cần phải tỉnh táo theo dõi cũng như khuyên bảo để tránh vào những trang không lành mạnh hoặc đôi khi là những trang buôn bán không rõ nguồn gốc.

Trẻ nhỏ luôn cần những người dẫn bước, hướng dẫn (Ảnh minh họa)

Ngoài việc quản lí con cái chơi hàng ngày, phụ huynh đôi khi có thể kể cho chúng nghe những câu chuyện hay những thông tin quý giá mà Yu-Gi-Oh! mang lại. Khi kể những câu chuyện “có thật nhưng hấp dẫn như truyền thuyết” như vậy sẽ tạo ra cho con trẻ cảm giác thích thú, cảm giác hóa thân mình vào những mẩu chuyện thực tế đến khó tin mà đôi khi phụ huynh cũng không biết nhiều. Cũng chính từ hình thức này mà Yu-Gi-Oh! đã tự biến nó trở thành một trò chơi không phải chỉ có hai người ngồi trên bàn và miệng phải nói liên tục vậy!!! Có như vậy thì cảm giác muốn khám phá quân bài mới và sự thay đổi trí tuệ liên tục của trẻ mới được phát huy.

+ Có thể bạn đang tìm đọc: Yu-Gi-Oh! có phải trò chơi trẻ con?


6. Kết Luận


Yu-Gi-Oh! luôn là một trong những trò chơi được yêu thích ở rất nhiều nước trên thế giới và do vậy chúng ta hoàn toàn có thể cho trẻ nhỏ chơi ngay từ những lớp học đầu tiên. Đam mê trò chơi là điều kiện cần, chơi có chừng mực, chơi lành mạnh là điều kiện đủ để Yu-Gi-Oh! trở thành trò chơi có ích cho mọi người. 

Mahadoyugi hy vọng mỗi người có thể tìm ra cách chơi Yu-Gi-Oh! hợp lý nhất cho mình!



Luận điểm và trình bày bởi: Admin Clear Mind
Góp ý, sửa đổi lần cuối: Admin Haou Judai

Facebook: https://www.facebook.com/mahadoyugi

* Lưu ý: Mahadoyugi luôn ủng hộ việc chia sẽ bài viết để có thể tiếp cận với nhiều độc giả hơn. Tuy nhiên, yêu cầu các bạn khi copy bài viết lên các trang khác phải ghi rõ nguồn Mahadoyugi - Yugioh Blog in Vietnam. Cảm ơn các bạn. *

Let Mahadoyugi link you to the world of Duel Monsters!


Thế giới bài ma thuật còn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị và chính các bạn, các độc giả của Mahadoyugi, là người tìm ra những sáng tạo đó. Mỗi Share hoặc like của các bạn sẽ là động lực giúp Blog phát triển hơn!

No comments:

Post a Comment

Quy định chung:
- Mọi Comment sẽ đựợc kiểm duyệt trước khi xuất bản để tránh tình trạng spam hoặc nội dung không lành mạnh.
- Nếu có thể, hãy comment bằng "Google Account" rồi tick vào ô "SUBSCRIBE BY EMAIL" sau khi comment xong để nhận được reply vào MAIL của bạn nhé!
- If you do not speak Vietnamese, comment by English here!
Thank You!